Nguyên nhân chiến tranh Chiến_tranh_Thái_Bình_Dương

Tranh giành thuộc địa

Trong 40 năm, từ năm 1900 tới 1940, kinh tế Nhật Bản tăng trưởng khá nhanh. Tính theo thời giá năm 1990, năm 1900 GDP của Nhật Bản là 52 tỷ USD, năm 1940 đã tăng lên 210 tỷ USD (302 tỷ nếu tính thêm cả thuộc địa Triều Tiên, Mãn Châu), để so sánh GDP của Mỹ trong năm 1940 là 931 tỷ USD[12] Quy mô kinh tế Nhật Bản đã vượt qua Pháp và Ý, đứng thứ 5 thế giới (sau Mỹ, Liên Xô, Đức và Anh).

Tuy nhiên, càng phát triển kinh tế thì Nhật càng bị thiếu tài nguyên, thế là nước này càng muốn chiếm thêm thuộc địa. Sự bùng nổ dân số đồng hành với tiến trình công nghiệp hóa của Nhật càng làm tăng thêm sự thèm muốn thuộc địa. Dân số Nhật Bản khi đó đã bùng nổ với 80 triệu người, nếu không chiếm thêm thuộc địa thì kinh tế Nhật Bản không thể cung ứng cho số dân gia tăng gần 1 triệu người mỗi năm.

Khi Thế chiến thứ nhất kết thúc thì tâm lý chủ nghĩa đế quốc "mạnh được yếu thua" vẫn rất phổ biến. Trừ Liên Xô và một số đảng cánh tả ở châu Âu, không một cường quốc nào nhắc đến các khái niệm như là "quyền tự quyết của các thuộc địa", "bình đẳng giữa các dân tộc"... Tuy vậy, 3 nước Nhật, Đức và Ý thì ngày càng củng cố khuynh hướng chủ nghĩa đế quốc và nuôi mộng xâm chiếm thuộc địa với lập luận: Anh, Pháp đã có được thuộc địa rộng bao la còn họ thì chưa, vậy thì họ cũng có quyền đi chiếm thuộc địa, và nếu cần thì phải buộc Anh, Pháp nhường bớt cho họ. Tuy vậy, các nước đã chiếm nhiều thuộc địa với lãnh thổ rộng lớn như Anh, Pháp, Mỹ lại không muốn nhường bớt các thuộc địa nhằm bảo vệ quyền lợi kinh tế của riêng mình. Do đó, các thế lực mới nổi và chậm chân trong cuộc chia chác thuộc địa thế giới, nghĩa là Đức, ÝNhật, muốn phát động chiến tranh để chiếm lấy thuộc địa của Anh - Pháp - Mỹ.

Cuộc Đại khủng hoảng kinh tế 1929-1933 đã khoét sâu mâu thuẫn này. Các nông dân Nhật Bản vốn đã nghèo khổ, nay lại càng khốn khó sau sự lao dốc của giá nông sản vào năm 1929, đã bắt đầu tổ chức những cuộc chống đối lần đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản; hàng trăm ngàn công nhân thành phố thì bị đuổi việc do nhà máy bị phá sản. Muốn dùng vũ lực với bên ngoài để giải quyết khủng hoảng trong nước, 3 nước Đức, Ý và Nhật bèn tăng cường sức mạnh quân sự, rút ra khỏi Hội Quốc Liên. Một mặt đòi phải chia lại thuộc địa, những thế lực mới này cũng đòi hỏi phải mang quân đi xâm chiếm các nước khác. Tại Nhật Bản, các tổ chức dân tộc chủ nghĩa cực đoan nở rộ, mà nhà lãnh đạo nổi tiếng nhất là Ikki Kita, người đã đưa ra “Phác thảo Đại cương các Biện pháp cho cuộc Tái thiết Nhật Bản”, trong đó chủ trương chống chủ nghĩa Cộng sản, giải phóng châu Á khỏi sự thống trị của thực dân phương Tây và đưa Nhật Bản trở thành một quốc gia thống trị tại châu Á (và thậm chí là thế giới). Nhân dân Nhật Bản được tuyên truyền tâm lý cho cuộc viễn chinh ở Đông Á với hai khẩu hiệu từ quá khứ. Một là “kokutai” - quốc túy, và cái kia là “Kodo” - Vương Đạo, được dẫn giải rằng "trật tự và hòa bình thế giới phải được hoàn thành qua việc Nhật Bản kiểm soát Đông Á".

Ngay từ đầu thập niên 1930, Nhật Bản đã chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh để giành lấy các thuộc địa ở châu Á. Năm 1931, Nhật đánh chiếm Mãn Châu của Trung Quốc. Khu vực Đông Nam Á với trữ lượng 95% cao su thiên nhiên, 90% lúa gạo, 66% thiếc, 90% đay gai và 90% cây ký ninh (thuốc trị sốt rét) toàn thế giới là mục tiêu mà Nhật muốn chiếm nhất. Khu vực Mãn Châu (thuộc Trung Quốc) rất giàu than đá thì đã bị Nhật chiếm từ năm 1931. Có thể nói nguyên nhân khiến chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ cũng giống như nguyên nhân đã gây ra Thế chiến thứ nhất, đó là sự tranh giành thuộc địa.

Chạy đua vũ trang

Thiên hoàng Chiêu Hòa (cai trị 1926-1989), vua Nhật Bản trong suốt Chiến tranh thế giới thứ hai.

Từ sự mâu thuẫn của Nhật với Anh, Pháp, Mỹ trong việc phân chia thuộc địa ở châu Á, nước Nhật đã tích cực chạy đua vũ trang, chuẩn bị cho cuộc chiến để giành thêm thuộc địa ở châu Á, trong đó mục tiêu quan trọng là đánh chiếm Trung Quốc, sau đó đánh chiếm tiếp khu vực Đông Nam Áchâu Úc từ tay các nước thực dân Anh, Pháp, Mỹ và Hà Lan.

Trong thời gian này, chính sách ám sát của các tổ chức bí mật và ảnh hưởng của cuộc Đại khủng hoảng năm 1929 đã làm cho chính phủ dân sự Nhật sụp đổ. Là một nước đông dân nhưng lại nghèo nàn về tài nguyên thiên nhiên, Nhật Bản đã chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng. Đứng trước cuộc khủng hoảng đó, những nhóm Gunbatsu (quân phiệt Nhật) đã chủ trương giải quyết các vấn đề quốc gia bằng chính phủ độc tài và chính sách xâm lược.[13] Liên minh với các Gunbatsu là các nhà tài phiệt Zaibatsu gồm 4 tập đoàn tài chính lớn Mitsubishi, Mitsui, SumitomoYasuda kiểm soát nền công nghiệp Nhật và chiếm 3/4 số cổ phần cả nước.[14]

Chính phủ quân phiệt Nhật được thành lập từ đầu thập niên 1930, mặc dù việc nắm quyền của quân đội sẽ gây một số hạn chế nhưng họ đảm bảo thực hiện các mong ước của Nhật hoàng Hiro Hito. Chủ nghĩa quân phiệt Nhật đã chuẩn bị một kế hoạch chiến tranh quy mô lớn nhằm đánh bại thế lực cường quốc phương Tây, độc chiếm khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Năm 1927, thủ tướng Nhật Tanaka Giichi đã trình lên Nhật hoàng Hirohito kế hoạch chiến tranh bành trướng của Nhật Bản gồm 4 bước: đánh chiếm Mãn Châu, độc chiếm Trung Quốc, làm chủ châu Á và sau cùng là bá chủ toàn cầu.[15]

Trong thập niên 1930, sản xuất công nghiệp ở Nhật Bản tăng với tốc độ rất nhanh. Trong năm đầu tiên của thập kỷ 1930, sản lượng công nghiệp của Nhật Bản trị giá 6 tỷ Yên (theo thời giá lúc bấy giờ) và tập trung vào các ngành công nghiệp nhẹ; đến năm 1941, sản xuất công nghiệp đã tăng gấp 5 lần và ngành công nghiệp nặng chiếm 72,7% trong tổng số.[16]

Sự gia tăng trong sản xuất công nghiệp Nhật là do việc gia tăng rất lớn ngân sách quân sự, tập trung vào các ngành công nghiệp nặng, cơ sở để sản xuất bất kỳ máy móc quân sự hiện đại nào. Sản lượng thép hàng năm tăng từ 1,8 lên đến 6,8 triệu tấn. Năm 1930, Nhật Bản chỉ sản xuất được 500 xe vận tải và 400 máy bay. Mười năm sau, sản lượng xe vận tải hàng năm là 48.000 chiếc, và Nhật Bản đã sản xuất hơn 5.000 chiếc máy bay mỗi năm. Đóng tàu tại Nhật Bản cho thấy mức tăng tương tự trong những năm này. Việc đóng tàu cho hải quân trong giai đoạn này tổng cộng là 476.000 tấn, việc đóng mới các tàu buôn tăng từ 92.093 tấn trong năm 1931 lên 405.195 tấn vào năm 1937.[17]

Năm1931193219331934193519361937193819391940
Ngân sách quân sự của Nhật (triệu Yên)4347338739551.0321.1053.9536.0976.4177.266
Tỷ trọng trong tổng chi ngân sách (%)29,437,639,244,246,848,471,675,471,765,9

Chi tiêu quân sự của Nhật tăng mạnh sau năm 1936 do sự gia tăng quy mô của quân đội và cuộc xâm chiếm Trung Quốc. Chi tiêu quân sự sau năm 1936 phản ánh sự thống trị của quân sự lên đời sống chính trị. Toàn bộ nền kinh tế của nước Nhật đã được kiểm soát chặt chẽ và hướng tới chiến tranh; các ngành công nghiệp vũ khí được mở rộng, mọi nỗ lực đã được thực hiện để dự trữ nguyên liệu chiến lược. Nhưng các ngành công nghiệp cơ bản khác, chẳng hạn như sản xuất dầu tổng hợp và thủy điện, bị giới hạn bởi sự thiếu hụt tài nguyên. Số lượng bauxite dự trữ của Nhật vào năm 1941 đạt 254.740 tấn, chỉ đủ cung cấp 9 tháng, quặng sắt dự trữ cũng chỉ đủ để cung cấp một vài tháng[18]

Sự thiếu hụt sản xuất dầu mỏ là điểm yếu nhất của Nhật Bản. Đối với Hải quân, tình trạng thiếu dầu là rất quan trọng vì tàu bè không thể chạy mà thiếu dầu; trong khi với lục quân thì nó hạn chế khả năng trang bị xe cơ giới. Để đảm bảo trữ lượng tài nguyên quý giá này, Nhật Bản đã nhập khẩu rất nhiều trong thập niên 1930, số lượng đạt 37.160.000 thùng vào năm 1940. Trong năm đó, Nhật Bản chỉ sản xuất được 3.163.000 thùng dầu, ít hơn 12% nhu cầu trong thời bình của quốc gia. Để tăng số lượng dầu cho sử dụng quân sự, tiêu thụ dầu dân sự đã bị cắt giảm mạnh sau năm 1937, và thực tế tất cả giao thông dân sự đã bị bãi bỏ hoặc bắt buộc phải sử dụng động cơ hơi nước đốt củi và than. Bất chấp những biện pháp này, Nhật Bản chỉ có 43.000.000 thùng dầu dự trữ vào năm 1941, chỉ đủ cho hai năm chiến tranh trong những điều kiện thuận lợi nhất, nếu được bổ sung bởi các nguồn lực trong đế quốc.

Vào cuối năm 1937, Nhật Bản có 24 sư đoàn, 16 trong số đó được đóng tại Trung Quốc; ba năm sau, tổng số đã tăng lên 50: 27 ở Trung Quốc, 12 ở Mãn Châu và phần còn lại ở Triều Tiên và chính quốc. Lực lượng Không quân lục quân tăng từ 54 phi đội năm 1937 lên 150 vào năm 1941. Phi công được huấn luyện tốt và khoảng một nửa trong số họ có kinh nghiệm chiến đấu thực tế ở Trung Quốc hoặc trong chiến tranh biên giới với Liên Xô.

Yamato là tàu chiến lớn nhất thế giới được Nhật hạ thủy năm 1940

Lực lượng hải quân của Nhật Bản, bị giới hạn bởi Hiệp ước Hải quân Washington (1921) và sau đó là Hiệp ước Hải quân London (1930), tăng nhanh sau năm 1936 khi Nhật Bản rút khỏi các hiệp ước hải quân năm đó. Năm 1937, 20 tàu chiến mới với tổng trọng tải 55.360 tấn được hoàn thành; năm sau con số này tăng lên 63.589 tấn, và đến năm 1941 đã đạt đến đỉnh cao nhất là 225.159 tấn (bao gồm một thiết giáp hạm lớp Yamato, 2 tàu sân bay cỡ lớn và 2 tàu sân bay cỡ nhỏ, 7 tàu tuần dương và 37 tàu khu trục).

Tháng 12/1941, quân đội Nhật Bản có trong tay 51 sư đoàn bộ binh. Không quân lục quân có 660 máy bay ném bom, 550 tiêm kích và 290 máy bay trinh sát. Không quân hải quân có 684 máy bay cho các tàu sân bay, 443 máy bay ném bom, 252 tiêm kích, 92 máy bay ném ngư lôi và 198 máy bay các loại khác.[19] Năm 1941, trọng tải tàu chiến của Nhật Bản đã tăng lên 1.059.000 tấn, gấp hơn hai lần năm 1922. Trong đó bao gồm 10 thiết giáp hạm, 6 tàu sân bay cỡ lớn và 4 tàu sân bay cỡ nhỏ, 18 tàu tuần dương hạng nặng, 18 tàu tuần dương hạng nhẹ, 113 khu trục hạm và 63 tàu ngầm[20]. Hạm đội Nhật có tổng tải trọng đứng thứ 3 thế giới (sau Anh và Mỹ), nhưng xét ở riêng khu vực Thái Bình Dương thì đội tàu của Nhật mạnh hơn lực lượng hải quân Hoa Kỳ và Anh đóng ở đây cộng lại. Ở thời điểm 1941, hải quân của Nhật có 2 lĩnh vực được coi là tiên tiến nhất thế giới là ngư lôi và tiêm kích trên tàu sân bay.

Tuy nhiên, bộ chỉ huy Nhật thiếu một chiến lược chiến tranh tổng thể bởi họ không thể xác định trước những đối thủ phải đối mặt. Nhật Bản chỉ tìm cách tránh đối đầu với cả Hoa Kỳ và Liên bang Xô viết, nhấn mạnh rằng trong mọi trường hợp, Nhật Bản không nên đấu với nhiều hơn một trong 2 nước này cùng một lúc. Bộ chỉ huy Nhật không thể thiết lập các ưu tiên cho riêng 1 quân chủng, vì một cuộc chiến chống Liên Xô yêu cầu tăng cường lục quân, trong khi một cuộc chiến chống lại Hoa Kỳ sẽ yêu cầu tập trung cho hải quân. Hải quân Nhật chưa sẵn sàng đi vào một cuộc chiến lâu dài. Vào tháng 1/1940, hải quân Nhật chỉ có 3.500 phi công. Một sĩ quan hải quân đề nghị huấn luyện thêm 15.000 phi công nữa cho hải quân, nhưng ý kiến này bị coi là điên rồ và bị bác bỏ, do các tướng lĩnh Nhật không cho rằng chiến tranh sẽ kéo dài và gây nhiều thiệt hại đến vậy (về sau thì quả nhiên Nhật Bản bị mất phần lớn phi công giàu kinh nghiệm chỉ sau 18 tháng chiến tranh, trong khi lớp phi công thay thế chưa kịp được đào tạo).

Do thiếu tài nguyên, Nhật Bản không thể sản xuất vũ khí nhanh bằng Mỹ, Liên Xô và Anh, chiến tranh càng kéo dài thì Nhật càng bất lợi. Theo đánh giá vào tháng 8/1941, so sánh giữa tiềm năng sản xuất của Mỹ so với Nhật, về thép tỉ lệ là 20 so với 1; dầu là hơn 100 so với 1; than đá 10 so với 1; máy bay là 5 so với 1; tàu chiến là 2 so với 1; lực lượng lao động là 2 với 1. Tiềm năng tổng quát là 10 so với 1. Với những thua sút như thế, Nhật Bản khó mà đánh thắng, cho dù họ có Yamato damashii – tinh thần Nhật Bản. Đô đốc Yamamoto từng nói "Tôi có thể gây tàn phá cho hải quân Anh Mỹ trong một năm hoặc nhiều lắm là 18 tháng. Sau đó tôi không có một bảo đảm nào hết". Thủ tướng Konoye cũng công nhận lời tuyên bố của Yamamoto rất có lý và ông cố gắng duy trì hòa bình với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, phía lục quân và Tướng Hideki Tojo, bộ trưởng chiến tranh, công kích thủ tướng Konoye có một chính sách ngoại giao mềm yếu. Ít lâu sau, Konoye phải từ chức và Hideki Tojo lên thay, Nhật Bản ráo riết chuẩn bị chiến tranh.

Chiến lược làm thế nào để đánh bại nước Mỹ chưa bao giờ được lãnh đạo Nhật Bản xem xét kỹ lưỡng. Kế hoạch năm 1940 của Hải quân Nhật Bản cho một cuộc chiến với Hoa Kỳ, chỉ đơn giản là tuyên bố Hải quân Hoàng gia, hợp tác với Lục quân, sẽ phá hủy sức mạnh của Mỹ ở Viễn Đông và duy trì kiểm soát vùng biển Viễn Đông "bằng cách ngăn chặn và nghiền nát hạm đội Mỹ".

Thiết giáp hạm Indiana của Mỹ

Phản ứng trước sự gia tăng vũ trang của Nhật và Đức, Mỹ cũng đã đề ra Đạo luật Hải quân hai đại dương, còn được gọi là Đạo luật Vinson-Walsh, ban hành vào ngày 19 tháng 7 năm 1940, được đặt tên theo Carl Vinson và David I. Walsh, 2 chủ tịch Ủy ban Hải quân tại Hạ viện và Thượng viện. Đây là kế hoạch chạy đua vũ trang hải quân lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ cho tới thời điểm đó, nó dự tính tăng quy mô của Hải quân Hoa Kỳ thêm 70%, trị giá 8,55 tỷ đôla (tương đương 130 tỷ USD theo thời giá 2018). Kế hoạch bao gồm việc mua thêm 1.325.000 tấn tàu chiến, bao gồm 11 tàu sân bay, 2 thiết giáp hạm lớp Iowa, 5 thiết giáp hạm lớp Montana, 6 tàu tuần dương lớp Alaska, 27 tàu tuần dương, 115 tàu khu trục, 43 tàu ngầm, 15.000 máy bay, 50 triệu đôla cho tàu tuần tra, hộ tống và các tàu khác, 150 triệu đôla cho các thiết bị và phương tiện thiết yếu, 65 triệu đôla cho việc sản xuất nguyên liệu và đạn dược, 35 triệu đôla cho việc mở rộng cơ sở vật chất. Kế hoạch dự tính tiến hành trong 5-6 năm[21]

Vào đầu tháng 12 năm 1941, hải quân Mỹ có 17 thiết giáp hạm (đã có kế hoạch đóng thêm 15 chiếc nữa), 7 tàu sân bay cỡ lớn (đã có kế hoạch đóng thêm 11 chiếc nữa), 18 tàu tuần dương hạng nặng (8 chiếc nữa đang được đóng mới), 19 tàu tuần dương hạng nhẹ (32 chiếc nữa đang được đóng mới), 6 tàu tuần dương phòng không, 171 khu trục hạm (188 chiếc nữa đang được đóng mới) và 114 tàu ngầm (79 chiếc nữa đang được đóng mới). Trong đó có 9 thiết giáp hạm, 3 tàu sân bay, 13 tàu tuần dương hạng nặng, 11 tàu tuần dương hạng nhẹ, 80 khu trục hạm và 56 tàu ngầm được bố trí ở Thái Bình Dương. Hải quân Anh đang phải tập trung đối phó với Đức nên chỉ có ở Thái Bình Dương lực lượng nhỏ gồm 2 thiết giáp hạm, 1 tàu sân bay, 1 tàu tuần dương hạng nặng, 7 tàu tuần dương hạng nhẹ và 13 khu trục hạm[20]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_tranh_Thái_Bình_Dương http://ajrp.awm.gov.au/AJRP/AJRP2.nsf/437f72f8ac2c... http://wwii.ca/index.php?page=Page&action=showpage... http://www.china.org.cn/english/features/celebrati... http://www.avalanchepress.com/MexicanAirForce.php http://forum.axishistory.com/viewtopic.php?f=65&t=... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/137119/B... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/247568/B... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/310634/k... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/381684/B... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/456391/B...